Tủ sách VHS – Những quyển sách dành cho thiếu nhi hay nhất mọi thời đại
Khi nói đến những cuốn sách dành cho thiếu nhi hay nhất mọi thời đại, sẽ thật thiếu sót nếu chúng ta không nhắc đến tác phẩm “Những tấm lòng cao cả” của nhà văn học Edomondo De Amicis. Lần đầu tiên xuất bản năm 1886, cho đến nay đã hơn 120 năm thì những bài học, những giá trị trong “Những tấm lòng cao cả” vẫn còn vẹn nguyên trong lòng độc giả, nhất là các bạn thiếu nhi.
Cuốn sách được trình bày dưới dạng một cuốn nhật ký. Chủ nhân của cuốn nhật ký ấy – cậu học trò lớp ba người Ý, Enricô Bôttini. Trong khoảng thời gian mười tháng là học sinh lớp ba, Enricô đã quan sát và ghi lại những chuyện lớn nhỏ đã xảy ra xung quanh, ở trường học, ngoài đường phố và ở nhà. Không chỉ ghi chép đơn thuần, cậu còn ghi lại suy nghĩ và cảm tưởng của chính mình. Cuốn nhật ký nhỏ ấy ghi chép các truyện đọc hàng tháng mà thầy giáo cho phép đọc trong lớp và những lá thư bố mẹ cậu đã viết cho con trai của mình. Nhân vật trong nhật kí là các thầy giáo, cô giáo, những người bạn học, là bố mẹ của Enricô và cả bố mẹ của các bạn cậu. Mỗi người đều mang một đặc điểm, một tính khác nhau. Tất cả tạo thành một xã hội thu nhỏ trong con mắt của cậu bé.
Về những Thầy giáo, Cô giáo
Xuất hiện trong nhật kí của Enricô, là mẩu chuyện nhỏ về cô giáo lớp một trên của cậu, là thầy giáo lớp ba Pecbôni, là thầy hiệu trưởng, là cô giáo của em trai và cả người thầy ngày xưa của bố. Những người thầy đáng kính ấy không chỉ truyền cho học sinh kiến thức. Trên hết, họ dạy cho học sinh của mình về lòng can đảm, thương yêu và sự biết ơn. Những mẩu chuyện nhỏ về các thầy cô giáo ấy, qua cái nhìn của con trẻ lại trở thành một trường ca cảm động và thiêng liêng về nghề dạy học.
Năm học mới bắt đầu từ “ngày khai trường”. Cuốn nhật kí của Enricô cũng bắt đầu như thế. Giống như mọi đứa trẻ khác, cậu cũng mãi nhớ thôn quê, nhớ những ngày hè, đến trường chỉ là miễn cưỡng. Thầy giáo năm nay là một thầy giáo khác “người cao lớn, không có râu, tóc dài đã hoa râm hết, có một nếp nhăn trên trán, tiếng nói rất to, … không bao giờ cười” thay cho người thầy “có mái tóc hung, bù xù và tính tình vui vẻ” năm ngoái.
Tác giả không định nghĩa thế nào là một người thầy tốt hay chỉ ra người ta phải dạy học sinh như thế nào cho đúng. Thông qua những trang nhật kí của Enricô, ông chỉ phát họa những đức tính cao cả của người thầy. Thầy Pecbôni, người thầy năm lớp ba của Enricô, người thầy “không bao giờ cười” ấy lại dạy học trò bằng cả tấm lòng yêu thương. Khi học trò dại dột nghịch ngợm rồi lo lắng về trận mắng của thầy thì thầy chỉ đặt tay lên vai học trò, đơn giản “Đừng làm thế nữa nhé!”. Chính những lời nói dõng dạc nhưng hiền từ của thầy trong buổi đầu nhận lớp đã làm cậu học trò nghịch ngợm lúc nãy giọng run run “Thưa thầy, thầy có tha lỗi cho con không ạ?
Về những người bạn nhỏ của Enricô
Trong một trang nhật kí, cậu bé Enricô có viết “nhà trường san bằng các địa vị và làm cho mọi người thành bạn bè với nhau”. Chính ở đây, Enricô gặp gỡ những người bạn thân yêu của mình. Đó là Đêrôtxi, cái cậu bao giờ cũng đạt giải nhất. Là Garônê, cái cậu to lớn và tốt bụng. Là cậu bé tên Côretti, con của bác bán củi, cái cậu lúc nào cũng có vẻ rất hài lòng. Là cậu bé gù Nenli tội nghiệp. là cậu Vôtini ăn mặc rất sang. Là cậu bé thợ nề có biệt tài làm như kẻ sứt môi. Là Cáclô Nôbitx, cái cậu tự phụ vì có bố là quý tộc và giàu có. Là Garôpphi thích buôn bán. Là Prêcôtxi, con ông thợ rèn, mặc chiếc áo quá dài và trông có vẻ đau khổ. Là Crôtxi, cậu bé có một cánh tay bị liệt, con của một bà mẹ bán rong rau quả. Là Xtacđi, lúc nào cũng chăm chú nghe giảng.
Mỗi đứa trẻ, dù xuất thân như thế nào thì đều có một tấm lòng cao quý. Cao quý nhất có lẽ phải kể đến Garônê. Khi Crôtxi bị nhạo báng, mất bình tĩnh ném lọ mực và vô tình trúng giữa ngực thầy Pecbôni, Garônê thương bạn, can đảm đứng lên nhận là mình. Cậu vui vẻ cho bạn mượn cái dao, cây bút chì, tờ giấy… khi họ cần. Cậu sẵn lòng cho bạn học sinh hai xu vì cậu này chẳng may mất ví. Khi Nenli, cậu bé lưng gù tội nghiệp ấy bị đám đông học trò chế giễu và hành hạ, Garônê là người đứng ra bảo vệ bạn. Khi Garôpphi nhỡ tay ném tuyết vào cụ già trên đường phố, chính Garônê là người động viên bạn phải can đảm nhận lỗi, bảo vệ bạn trước người lớn đang tức giận. Vì “để cho một người khác bị bắt thì thật là hèn nhát” .
Chính những người bạn của Enricô đã truyền cho cậu động lực, lòng nhân ái. Đọc tác phẩm, chúng ta không thấy Enricô có nhiều lời thoại. Cậu đóng vai trò như người dẫn chuyện, quan sát và ghi chép. Những ghi chép tỉ mỉ và đa chiều. Cậu yêu thương, ngưỡng mộ các bạn học của mình. Cậu nhìn thấy các sự khác biệt trong tính cách của các bạn. Ở mỗi bạn, cậu đều học được một đức tính gì đó. Garôpphi thích buôn bán, nhưng điều đó không ngăn cản cậu ấy có lòng tốt. Vôtini dù có tính khoe khoang và hợm hĩnh nhưng cậu ấy không xấu bụng.
Những đứa trẻ ấy rồi sẽ lớn lên. Đứa may mắn sẽ được đi học tiếp rồi trở thành kĩ sư, luật sư hay bác sĩ. Đứa kém may mắn hơn sẽ phải dừng lại việc học, đối mặt với gánh nặng cơm áo gạo tiền. Thế nhưng, chúng vẫn sẽ là những người bạn thân thiết.
Những ông bố, bà mẹ và bài học về giáo dục con trẻ
Ngày tựu trường, họ cùng con đến trường. Ngày thường họ đến cổng trường đón con giờ tan học. Khi các con tập trung trong phòng thi, chính những ông bố, bà mẹ ấy lại đang căng thẳng nơi cổng trường. Khi các con nhận được huy chương thì chính những vị bố mẹ ấy lại là người hạnh phúc nhất. Những vị bố mẹ ấy làm đủ ngành nghề, thuộc mọi tầng lớp trong xã hội. Thậm chí có những người thuở bé không được học hành, bây giờ đang theo học lớp học thêm buổi tối. Thế nhưng đứng trước cổng trường đợi đứa con thân yêu, họ trò chuyện như bạn bè. Cũng giống như bố mẹ Enricô, có lẽ những ông bố, bà mẹ khác cũng viết cho con mình những lá thư, rồi lặng lẽ đặt trên bàn học của con. Họ cũng dạy con những điều cao cả.
Những tấm lòng cao cả đã ra đời từ thập niên 80 của thế 19, đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Điều đã làm cho một tác phẩm văn học thiếu nhi có sức sống mãnh liệt hơn một trăm năm như thế. Có thể nói đó chính là nhờ những giá trị nhân văn trong việc giáo dục. Trường học, thầy cô, bố mẹ và cả xã hội kết hợp lại, dạy con trẻ những điều thật đẹp. Những truyện đọc hàng tháng cho các em lòng can đảm, trân trọng đất nước từ những điều nhỏ nhất. Những lá thư bố mẹ để trên bàn Enricô dạy cậu yêu thương con người, bạn bè, đất nước.
Tác phẩm không đơn thuần là những dòng nhật kí của cậu học trò bé nhỏ. Có thể nói tác giả mượn ngòi bút của trẻ em để nói chuyện người lớn. Đó là những mẩu chuyện về tình người, về lòng yêu thương. Đó còn là những bài học về giáo dục con trẻ. Làm sao để dạy các em lòng can đảm, dạy các em tôn trọng bạn bè, thầy cô, bố mẹ và tôn trọng cả những người lớn khác trong xã hội, dù họ có là người lao động nghèo khổ. Vì thế, Những tấm lòng cao cả không chỉ là cuốn sách dành riêng cho thiếu nhi, mà nó dành tặng tất cả quý thầy cô giáo, những người làm nghề giáo dục và dành tặng cả các bậc làm cha mẹ. Hay nói cách khác, Những tấm lòng cao cả không chỉ là cuốn sách viết riêng cho trẻ em mà còn được viết cho tất cả những người lớn trong xã hội.
(Theo Bookacademy)